Giúp con giỏi tiếng Anh khi còn nhỏ, có thể không?

“Làm thế nào để con giỏi tiếng Anh?” - đó chính là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh. Cùng lắng nghe chia sẻ của một bà mẹ về cách dạy tiếng anh cho trẻ từ khi bé còn rất nhỏ.

Cách học tiếng anh cho trẻ em để đạt hiệu quả, cần hiểu rõ từng giai đoạn phát triển của trẻ để có hướng dạy cho phù hợp. Cụ thể như sau:
Giai đoạn 1,5- 2,5 tuổi
Đây là giai đoạn bé bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh, đặc biệt bị thu hút bởi những âm thanh bên ngoài. Bên cạnh việc trò chuyện với bé bằng tiếng mẹ đẻ, hãy để bé nghe những bài hát bằng tiếng anh một cách tự nhiên. Đây là lúc trẻ bắt đầu làm quen với tiếng Anh.

Thời gian đầu chưa có định hướng gì, chị Thắm cũng học thuộc bài hát, tối trước khi đi ngủ mẹ hát một lượt các bài cho bé nghe.
Chị Thắm chia sẻ:“Sau đó mình sẽ tìm những clip tổng hợp chủ đề đó trên youtube, nghĩa là một video chỉ nói về một chủ đề thôi, một nội dung, nhưng nhiều hình thức, tầm khoảng 30 phút đến 1 giờ, để bé nghe. Mẹ rảnh thì ngồi nghe với bé, để nắm nội dung, sau đó mẹ cố gắng học thuộc bài hát tối đến hát cho bạn ấy nghe, có thể bắt đầu thêm các câu hỏi đơn giản.
Giai đoạn này chủ yếu, mẹ nói, mẹ tự trả lời, vì bé dù có hiểu cũng chưa trả lời được, bé chỉ có thể dùng tay chân để trả lời, nếu vậy mẹ cũng sẽ nói thành lời câu trả lời của bé”, chị Thắm cho biết.
Một năm đầu tiên, phương pháp dạy tiếng anh cho trẻ mà chị áp dụng đơn thuần cho con nghe nhạc Tiếng Anh, và thấy bé Voi rất hào hứng. Sau một năm bé Voi có thể đã bắt đầu trả lời được các câu hỏi đơn giản về tất cả các chủ đề mà mẹ cho bé học.

Giai đoạn 2,5-3,5 tuổi
Chị Thắm đã thêm chương trình hoạt hình vào chương trình xem tivi của bé. Chị thường chọn các video có phụ đề để mẹ có thể hiểu, nắm bắt cốt truyện để làm tài liệu nói chuyện với bé trước khi đi ngủ.
“Xem hoạt hình, bé sẽ bắt đầu hiểu ngữ cảnh để sử dụng nguyên cả một câu, nên mình cũng xác định là cần thời gian học lâu hơn, chứ không thể tiến bộ nhanh như học qua bài hát, bởi vì độ khó tăng lên một bậc, sử dụng câu dài hơn, dùng để đối thoại và phải phù hợp với ngữ cảnh.
Thời gian này, ngoài việc xem tivi cùng bé thì mình bắt đầu tìm sách Tiếng Anh đọc thêm cho bé. Ban đầu bé cũng phản ứng bằng cách chạy đi tìm sách Tiếng Việt đưa cho mình. Những lúc như vậy mình sẽ đặt sách Tiếng Anh xuống, và đọc sách tiếng việt cho bé. Nhưng xong sách Tiếng Việt thì tranh thủ đọc 1,2 trang sách Tiếng Anh, để bé từ từ quen với sách, đoán được nghĩa của sách. Thế là bé bắt đầu hợp tác trong việc đọc sách với mẹ”, chị Thắm cho biết.
Đến nay, khi đã 3 tuổi rưỡi, tối nào trước khi đi ngủ, bé Voi cũng đòi mẹ đọc sách Tiếng Anh cho nghe.
“Quá trình đồng hành cùng con, mình thấy không chỉ con tiến bộ mà mẹ cũng tiến bộ, ví dụ như hồi trước xem hoạt hình cần phụ đề, còn bây giờ mẹ không còn cần vất vả tìm video có phụ đề nữa, vì mẹ đã có thể nghe hiểu trực tiếp.
Hay như cách đây một năm, khi bắt đầu đọc sách cho con, mình cũng rất tự ti về phát âm, nhưng cứ học dần dần, gặp từ nào mới, khó, không đọc được, mẹ xin phép em dừng câu chuyện, mở google tra từ đó, 2 mẹ con cùng luyện, từ từ số lần dừng để tra từ cũng ít dần, và giờ mẹ có thể đọc sách cho em rất là trơn tru rồi”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến